Ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam xem AdAsia 2013 là sự kiện quan trọng giúp tái cấu trúc ngành truyền thông quảng cáo. Ảnh: Anh Quân
Đại hội châu Á lần đầu tiên tổ chức tại là dịp hiếm có để quảng bá hình ảnh và tạo cơ hội thay đổi ngành nước nhà.
Phát biểu tại buổi họp báo giới thiệu Đại hội Quảng cáo châu Á lần thứ 28, ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) nhận định: “Xét về quy mô, AdAsia 2013 tương tự như các kỳ trước đây, sự khác biệt lớn nhất là đại hội diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn chưa chấm dứt”. Theo ông, đây cũng là một trong những lý do khiến AdAsia 28 đưa ra chủ đề “Tái cấu trúc truyền thông quảng cáo”.
“Khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển nhanh chóng, đẩy các nhà quảng cáo phải nghĩ ra những cách thức mới để phù hợp với kỷ nguyên số, môi trường Internet. Do đó cần phải thực hiện tái cấu trúc, không chỉ truyền thông quảng cáo mà còn nhiều lĩnh vực khác”, Chủ tịch VAA khẳng định.
Sự có mặt của hàng trăm đại biểu và hơn 20 diễn giả đến từ các công ty, tổ chức uy tín trên thế giới cùng với các bài chia sẻ được xem là cơ hội tốt để các doanh nghiệp trong nước học hỏi kinh nghiệm làm quảng cáo trong thời đại mới.
Ông Huỳnh Vĩnh Ái, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá quảng cáo Việt Nam vẫn là ngành đầy triển vọng. “Chính phủ đã xác định đây là một ngành công nghiệp”, Thứ trưởng cho biết.
Theo thống kê mới nhất từ công ty nghiên cứu thị trường TNS, quảng cáo Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 15%, đạt trên một tỷ USD. Thị trường có nhiều cơ hội, đặc biệt là trong lĩnh vực quảng cáo di động mới phát triển vài năm gần đây.
Ngoài hoạt động chính của sự kiện là 3 ngày hội thảo, AdAsia 2013 còn có cuộc trình diễn khinh khí cầu quốc tế. Theo ông Hoàng Ngọc Nam, Trưởng ban tổ chức cuộc trình diễn này thì đây là hình thức quảng cáo đặc thù trên không đã xuất hiện ở một số quốc gia trên thế giới. “Đây không chỉ là quảng cáo mà bầu trời còn là sân chơi thứ 3, bên cạnh mặt đất và mặt nước”, ông Nam chia sẻ. Ông cũng cho biết thêm, chi phí đầu tư khinh khí cầu không nhỏ, một chiếc bình thường giá vài trăm triệu đồng, đắt có thể lên hàng tỷ đồng.
Anh Quân
Nguồn bài viết: Báo VNExpress.net